Tư vấn truyền hình trực tiếp “Bảo vệ bé khỏe mạnh trong mùa đông xuân”

Mời các bạn theo dõi buổi tư vấn truyền hình trực tiếp

Trong thời tiết lạnh ẩm, cả người lớn và trẻ đều dễ mắc các bệnh đường hô hấp, nhưng ở trẻ khi mắc bệnh hô hấp sẽ dễ chuyển bệnh nặng và cũng rất dễ tái phát bệnh do trẻ chưa phát triển thể chất một cách đầy đủ, hệ thống miễn dịch còn khiếm khuyết để tạo ra miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh.

Trẻ càng nhỏ tuổi càng dễ nhạy cảm với thời tiết và càng dễ mắc bệnh hơn trẻ lớn và người trưởng thành. Bệnh mùa đông - xuân hay gặp nhất ở trẻ là bệnh đường hô hấp như: viêm mũi, họng, viêm VA, viêm amidan, viêm xoang, hen phế quản...

Ngoài các bệnh về đường hô hấp, thời tiết này, trẻ cũng rất dễ mắc một số bệnh như: tiêu chảy, một số bệnh về da (eczema, bệnh mày đay...).

Bên cạnh đó, một số bệnh dịch truyền nhiễm vẫn đang lưu hành trong cộng đồng như: cúm, tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi, viêm não virut… cũng là mối đe dọa đối với sức đề kháng còn non yếu của trẻ.

Để giúp người dân có thêm kiến thức phòng tránh các bệnh thường gặp ở trẻ trong mùa này, Báo Sức khỏe & Đời sống (Suckhoedoisong.vn) tổ chức buổi tư vấn truyền hình trực tiếp với chủ đề “Bảo vệ bé khỏe mạnh trong mùa đông xuân”.

Báo Sức khoẻ & Đời sống trân trọng cảm ơn PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy, Trưởng bộ môn Nhi trường Đại học Y Hà Nội; Phó trưởng khoa miễn dịch dị ứng, Bệnh viện Nhi Trung ương. TS.BS. Nguyễn Thị Việt Hà, Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Trung ương, Phó chủ nhiệm bộ môn Nhi Đại học Y Hà Nội và ThS.BS. Lê Thị Hải, Nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia. đã tham gia chương trình giao lưu. Trân trọng cảm ơn nhãn hàng Lifebuoy đã tài trợ cho chương trình!

Các chuyên gia tham dự chương trình

Khách mời tham dự chương trình:

PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy, Trưởng bộ môn Nhi trường Đại học Y Hà Nội; Phó trưởng khoa miễn dịch dị ứng, Bệnh viện Nhi Trung ương.

TS.BS. Nguyễn Thị Việt Hà, Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Trung ương, Phó chủ nhiệm bộ môn Nhi Đại học Y Hà Nội.

ThS.BS. Lê Thị Hải, Nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

Buổi tư vấn được truyền hình trực tiếp trên Suckhoedoisong.vn, Songkhoe.vn bắt đầu từ: 09h30, thứ ba, ngày 29/12/2015.

Bạn đọc có thể gửi câu hỏi về tòa soạn ngay từ bây giờ theo địa chỉ email: bandientuskds@gmail.com;

hoặc trên trang fanpage: Y tế Việt Nam

hoặc fanpage của báo: Sức khỏe & Đời sống

Hoặc gửi câu hỏi dưới dạng tin nhắn vào số điện thoại 0965350350 trong thời gian diễn ra tư vấn truyền hình trực tiếp. (Lưu ý, toà soạn không nhận cuộc gọi).

Hoặc điền vào mẫu phía dưới trang.

Thực phẩm nào giàu DHA?

Em chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghe nói DHA giúp trẻ thông minh. Vậy xin bác sĩ cho biết những thực phẩm nào giàu DHA mà bà mẹ và trẻ nên ăn?

Thúy Hằng (Thanh Hóa)

DHA cần thiết cho phát triển hoàn thiện chức năng nhìn của mắt, sự phát triển hoàn hảo hệ thần kinh. Nếu thiếu DHA trong quá trình phát triển, trẻ sẽ có chỉ số thông minh IQ thấp.

Theo các nghiên cứu, DHA được tìm thấy trong nhiều nguồn thực phẩm khác nhau. Nó có nhiều nhất trong nội tạng động vật như gan và mỡ cá, bao gồm cá hồi, cá ngừ, cá trích, cá mòi, cá bơn, cá thu, trứng, sữa, các loại hạt có dầu, dầu cá để bổ sung DHA. Trẻ đẻ non và sơ sinh bình thường đòi hỏi phải cung cấp đủ DHA bởi trẻ chưa có khả năng chuyển tiền tố DHA từ dầu thực vật, hay các thức ăn thay thế sữa mẹ khác sang DHA. Sữa mẹ cung cấp đủ DHA cho trẻ, vì vậy, việc cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và cho con bú kéo dài tới 24 tháng là rất quan trọng.

Ở những năm đầu đời, cần cho trẻ ăn nhiều loại thực phẩm, đặc biệt là cá biển - loại thức ăn giàu DHA nhất. Các loại rau lá xanh, trứng cũng là nguồn cung cấp DHA phong phú. Ngoài ra, mẹ bầu cũng nên tăng cường các loại dầu thực vật chứa nhiều axit béo omega-3 hoặc mỡ động vật như mỡ gia cầm cũng có chứa nhiều chất béo này. Không nên cho trẻ ăn loại thức ăn nhanh, xúc xích, gà viên chiên… vì hầu như không có DHA hoặc ở hàm lượng rất thấp.

BSCKI. Kim Hằng

Đồ nhựa đã thay bpa bằng bps vẫn độc

Tính độc hại của BPA

Cấu trúc BPA gồm hai nhân phenol, hai nhóm metyl nối với nhau qua cầu nối carbonhydro (CH2). Được làm nguyên liệu (năm 1957) để sản xuất đồ nhựa, đặc biệt là nhựa polycarbonate để làm kính mát, bao bì thực phẩm, dụng cụ ăn uống trẻ em, chai lọ tái chế, làm lớp lót bên trong những lon kim loại, dùng trong các loại giấy ghi hóa đơn chịu nhiệt. Từ nhựa, BPA có thể thôi vào thực phẩm khi nóng. Tổ chức môi trường California (năm 2007) cho biết: đun nóng bình sữa nhựa(5 nhãn hiệu thông dụng), thấy có tiết ra một lượng BPA khá cao. Taman Galloway và cộng sự trong cuộc điều tra “Dinh dưỡng và Sức khỏe quốc gia Mỹ” (năm 2005 - 2006) đã kiểm tra 1.483 người lớn, thấy 25% có BPA trong nước tiểu ở mức cao.

Nếu dùng đồ nhựa nên chọn loại làm bằng polypropylen

Đã có các nghiên cứu về mối liên quan giữa phơi nhiễm BPA với một số bệnh:

BPA độc cho hệ sinh dục và não: một nhóm 12 chuyên gia thực hiện các nghiên cứu theo “Chương trình phòng chống độc quốc gia của Mỹ” báo cáo: BPA làm cho hệ sinh dục, não của động vật sơ sinh phát triển bất thường; chỉ cần một liều nhỏ BPA cũng có thể gây ảnh hưởng tương tự lên bào thai người và trẻ nhỏ; tuy nhiên, báo cáo không khẳng định lượng BPA là bao nhiêu sẽ gây ra ảnh hưởng này

BPA tạo ra bất thường về tế bào: theo GS. VandeWoort trường Đại học California (2012): những đứa trẻ nhiễm BPA khi còn ở trong bào thai mẹ, lúc lớn lên các tế bào trứng có nhiều nhiễm sắc thể, dẫn đến sinh con gặp hội chứng Down hay dễ bị sảy thai. Bào thai nhiễm BPA sẽ sinh ra các nang (các cấu trúc bao quanh trứng khi phát triển) khiến trứng chết trước khi trưởng thành. Ngoài ra, một số nghiên cứu khác cho thấy BPA có khả năng kích thích sự nhân lên của tế bào ung thư vú.

BPA với tình trạng vô sinh: một nghiên cứu đăng trên tạp chí Fertility and Sterility cho biết: so sánh 130 công nhân nam làm việc ở một nhà máy Trung Quốc thường xuyên phơi nhiễm với BPA với 88 công nhân không bị phơi nhiễm chất này thì số lượng tinh trùng ở nhóm phơi nhiễm thấp hơn ở nhóm không phơi nhiễm; điều này củng cố thêm sự lo ngại trước đây về BPA gây rối loạn hệ sinh dục dẫn đến vô sinh nam. Một số nghiên cứu khác thấy: BPA làm biến đổi khả năng sinh sản tử cung, dẫn tối vô sinh nữ.

BPA với men răng: nghiên cứu công bố trên American Journal of Pathology (10/6/2013), nhà khoa học Pháp Katia Jedeon thuộc Trung tâm nghiên cứu Coirdeliers phát hiện: phơi nhiễm BPA dù với liều thấp cũng ảnh hưởng đến sự hình thành răng sữa, gây nên bệnh thiếu chất khoáng ở men răng hàm, răng cửa (MIH). MIH là bệnh lý đặc trưng bởi các vết trắng hay ngà vàng trên răng tuy nhẹ nhưng làm răng yếu đi.

BPA với các bệnh lý khác: bệnh thiếu chất khoáng ở men răng (MIH) chỉ là biểu hiện ban đầu của phơi nhiễm BPA. Các nghiên cứu trên động vật, trên người khẳng định: phơi nhiễm BPA đầu thai kỳ hay giai đoạn đầu đời có thể làm gia tăng sự phát triển về sau này các bệnh lý: béo phì, đái tháo đường týp 2, ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt, rối loạn sinh sản. Do đó cần tiếp tục quan sát bệnh MIH trong thời gian dài.

PA với bệnh tim: những nghiên cứu ở Mỹ và Anh cho biết: nhóm người có BPA trong nước tiểu ở mức cao nhất có nguy cơ mắc chứng rối loạn tim mạch cao gấp 2 lần so với nhóm người có BPA trong nước tiểu ở mức thấp nhất. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa phát hiện được nguyên nhân và hậu quả trực tiếp giữa BPA và bệnh tim, mối liên quan đó có thể là gián tiếp.

Sản phẩm thay thế BPA bằng BPS… vẫn độc

Một số nước có quy định cấm dùng BPA rất cụ thể. Chẳng hạn: tháng 4/2008, Bộ Y tế Canada đã chính thức coi BPA là chất nguy hiểm. Năm 2012, PDA cấm sử dụng BPA trong bình sữa trẻ em. Các nhà sản xuất đã nhanh chóng tìm các sản phẩm thay thế BPA tạo ra dòng sản phẩm BPA- Free (không có BPA). Chất được dùng nhiều nhất là BPS.

BPS có cấu trúc tương tự BPA nhưng cầu nối carbon-hydro (CH2) được thay thế bằng cầu lưu huỳnh oxy(SO2).

Về sự phơi nhiễm: Kurunthachalan Kannan một nhà hóa học môi trường NewYork (2012) đã thử trên 315 người tiếp xúc, thấy có 81% có phơi nhiễm BPS, biểu hiện có mức BPS trong nước tiểu cao.

Sử dụng các sản phẩm thủy tinh, men sứ thay nhựa khi cho vào lò nóng, hay đựng thức ăn nóng

Về tính độc hại: Sheng Wang, một nhà dược học Đại học Cincinnati ở Ohio dẫn ra một nghiên cứu công bố trên Environmental Health Perspetives. Theo đó, BPA và BPS đều làm tăng tốc độ, đều gây rối loạn nhịp tim ở chuột cái nhưng không gây hiện tượng này trên chuột đực (vì cả BPA và BPS đều tác động như một estrogen yếu lên tim nhưng chuột đực có tín hiệu ngăn cản các hoạt động của estrogen trong khi chuột cái lại không có tín hiệu này). BPA, BPS gây ra các triệu chứng trên chuột cái giống nhau đến mức không phân biệt được. Sau đó, Cassanda Kinch một nhà thần kinh học Đại học Calagy, nghiên cứu trên cá ngựa vằn nhận thấy: BPS cũng như BPA thúc đẩy sự phát triển sớm của các tế bào thần kinh đáp ứng với estrogen trong khu vực não dưới đồi. Điều này làm cho lúc lớn lên cá ngựa vằn có tính hiếu động thái quá... Theo một nghiên cứu dược công bố trong kỷ yếu của Viện Hàn Lâm Khoa học Nga, BPS gây rối loạn hoạt động estrogen thậm chí còn hơn BPA.

Theo đó, các nhà khoa học đề xuất phải xem lại việc thay thế BPA bằng BPS, nghiên cứu nhiều, sâu hơn nữa về các biphenol, chỉ cấm một mình BPA có thể chưa đủ.

Người tiêu dùng cần lưu ý gì?

Nên dùng bao bì thủy tinh. Nếu dùng đồ nhựa nên chọn loại làm bằng polypropylen (PP). Các đồ nhựa chứa BPA hay BPS đều độc. Hạn chế độc hại bằng cách: không đưa các sản phẩm nhựa này vào lò nóng (như lò từ trường), hay đựng thức ăn nóng; tránh tiếp xúc với các sản phẩm chứa chất này ở nhiệt độ cao, nếu có tiếp xúc thì cần có dụng cụ bảo hộ thích hợp, ngay sau đó phải rửa sạch.

DS.CKII. BÙI VĂN UY

Nguy hại từ hạt chống ẩm với trẻ nhỏ

Trong bất cứ sản phẩm nào từ quần áo, bánh kẹo, túi xách chúng ta đều bắt gặp những gói chống ẩm… Thông thường, nếu các gói chống ẩm được làm từ silica gel thì sẽ là dạng hạt. Tuy nhiên, với những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, chúng ta không thể biết được liệu gói chống ẩm có dạng silica gel hay không, hay có thể là vôi bột. Nếu vôi bột thì rất nguy hiểm, bên trong ẩn chứa nhiều mối đe dọa ngầm với người sử dụng.

Tháng 12/2012, bé trai 2 tuổi rưỡi Trần Tuấn Dũng ở TP Bắc Giang đã bị bỏng giác mạc vì nghịch gói hạt chống ẩm trong túi bánh gạo. Bé được đưa đến điều trị khoa Kết – Giác mạc (Bệnh viện Mắt Trung ương) và được xác định là phải phẫu thuật điều trị.

Mới đây, một trường hợp bé trai 8 tuổi tại Trung Quốc, do không biết nên đã nghịch túi chống ẩm với nước khiến chai nước nổ tung lên, gây bỏng mắt dẫn tới nguy cơ bị mù vĩnh viễn. Trên thực tế cũng đã từng xảy ra những trường hợp tượng tự, do trẻ nhỏ còn thiếu hiểu biết, chơi đùa với gói chống ẩm mà dẫn tới những tai nạn đáng tiếc.

Bé trai 8 tuổi ở Trung Quốc đã bị tổn thương nặng ở mắt do nghịch hạt chống ẩm

Trường hợp trẻ ăn hoặc vô tình nuốt phải hạt chống ẩm

Tùy theo công ty sản xuất hoặc yêu cầu của khách hàng mà hạt chống ẩm có thể được làm từ những nguyên liệu chính khác nhau. Trường hợp trẻ nhai hoặc nuốt phải hạt chống ẩm là silica gel sẽ nguy hiểm cũng như ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe ít hơn so với các loại chống ẩm từ vôi bột.

Trong trường hợp trẻ nuốt phải hạt chống ẩm từ silica gel, cha mẹ cần bình tĩnh xử lý. Bản chất hạt silica gel trơ về mặt hóa học nên sẽ không có phản ứng với cơ thể. Tuy nhiên, do các hạt chống ẩm có đặc tính hút nước, làm khan, nên khi lỡ nuốt phải, bạn nên cho trẻ uống thêm thật nhiều nước lọc. Khi các hạt silica gel được ngậm đầy nước sẽ không tương tác với niêm mạc cơ thể và được bài tiết qua đường tiêu hóa.

Nhưng với trường hợp trẻ nhai hoặc nuốt phải hạt chống ẩm làm từ vôi bột thì có thể bị bỏng khoang miệng, loét họng tùy theo mức độ hóa chất mà trẻ tiếp xúc. Vì vậy, trong trường hợp này, cha mẹ cần cho trẻ súc miệng thật nhiều với nước sạch hoặc uống nhiều nước nhằm làm giảm nồng độ kiềm do phản ứng vôi bột gây ra. Đồng thời đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Hít phải bột trong các gói chống ẩm

Bên cạnh loại túi chống ẩm dạng hạt thì trên thực tế vẫn có loại túi chống ẩm dạng bột màu trắng, mịn được sử dụng. Các loại sản phẩm này sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều dạng hạt, đặc biệt nếu bao bì bên ngoài chất lượng kém, dễ xé hoặc rách khiến bột ở bên trong tung ra ngoài. Khi hít phải loại bột này, trẻ có thể bị bỏng hô hấp. Hơn nữa, bỏng do kiềm nguy hiểm hơn nhiều so với bỏng do axít vì dễ bỏng sâu và lan rộng.

Hạt chống ẩm vô cùng nguy hại với trẻ nhỏ (Ảnh minh họa: Internet)

Trường hợp trẻ vô tình hít phải loại bột chống ẩm này sẽ gây ra tình trạng bỏng, rát mũi, khó thở. Cha mẹ cần nhanh chóng lấy nước nhỏ mũi để rửa mũi cho trẻ. Và đồng thời cũng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám kỹ hơn, từ đó đảm bảo điều trị an toàn cho trẻ.

Hạt chống ẩm bắn vào mắt

Tai nạn hay xảy ra nhất là các hạt chống ẩm bắn vào mắt khi trẻ đùa nghịch. Tùy từng loại hạt chống ẩm mà mức độ nguy hiểm sẽ khác nhau. Nhưng dù là hạt chống ẩm dạng nào thì cũng sẽ gây ra những ảnh hưởng không tốt đến đôi mắt của trẻ. Đặc biệt, với loại chống ẩm từ vôi bột thì sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, khiến giác mạc bị bỏng, sưng phù, thậm chí trẻ có thể mù vĩnh viễn.

Vì vậy, nếu không may rơi vào trường hợp này, cần hướng dẫn trẻ bình tĩnh chớp mắt, nhỏ nước muối, thậm chí chỉ là nước lã từ từ để hạt chống ẩm no nước và bong ra, tuyệt đối không được dụi mắt hay lôi vội ra sẽ dễ làm rách giác mạc mắt. Với loại túi chống ẩm là bột mịn, cha mẹ cũng sơ cứu tương tự cho trẻ trong suốt quá trình đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ chuyên môn cấp cứu kịp thời, tránh hậu quả khiến mắt trẻ khó hồi phục.

Cha mẹ cần hết sức lưu ý, tránh để trẻ tiếp xúc với túi, hạt chống ẩm

Để bảo vệ trẻ nhỏ, tại mỗi gia đình, cha mẹ nên phân tích cho con nhận biết về hình thức bên ngoài cũng như tác hại của gói chống ẩm để các bé biết cách phân biệt, không nghịch, nuốt hay xé gói chống ẩm có trong các gói bánh, kẹo hoặc thực phẩm nói chung.

Đối với các trẻ nhỏ hơn, chúng ta cần kiểm tra kỹ các gói thực phẩm mua về, cẩn thận vứt bỏ các gói chống ẩm trước khi đưa cho trẻ gói bánh hoặc kẹo. Tuyệt đối không cho trẻ chơi hoặc tiếp xúc với chúng.

Bên cạnh đó, các nhà sản xuất cũng cần quan tâm hơn nữa trong việc cảnh báo tác hại của gói chống ẩm trong các sản phẩm đồ ăn dành cho trẻ nhỏ.

Vân Doãn

Gia đình 4 người nguy kịch, 1 trẻ tử vong do đốt than sưởi trong phòng kín

Ngày 26/1, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Việt Nam-Ba Lan (Nghệ An) mới cho biết, chiều 22/1, đã tiếp nhận 5 bệnh nhân trong một gia đình tại thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn nhập viện trong tình trạng ngộ độc khí carbon monoxide do đốt than sưởi trong phòng kín.

Năm bệnh nhân gồm: chị Nguyễn Thị Nga (20 tuổi), bà Nguyễn Thị Tiến (40 tuổi, mẹ ruột chị Nga), chị Đậu Thị Hạnh (17 tuổi, em chồng chị Nga) và 2 cháu bé: bé gái 18 tháng tuổi và bé trai 1 ngày tuổi con chị Nga.

Theo gia đình bệnh nhân, tối 21/1, vì chị Nga vừa sinh con thứ 2 được 1 ngày tuổi, thời tiết chuyển rét nên đã đốt than củi để xông cho sản phụ cũng như sưởi ấm cả nhà. Trong diện tích phòng kín khoảng 15m2, lò than sản sinh khí CO đã khiến cả 5 thành viên ngủ trong phòng bị nhiễm độc, bất tỉnh.

nguy-hai-do-dot-than-suoi-trong-phong-kin

Chị Hạnh đang được theo dõi sức khỏe tại bệnh viện

Đến 5h30 phút sáng 22/1, khi người nhà mở cửa phòng, phát hiện bà Tiến và chị Hạnh đã rơi vào tình trạng khó thở, sùi bọt mép, cháu bé 18 tháng tuổi tím tái, nguy kịch. Ngay lập tức, các bệnh nhân được chuyển đi cấp cứu.

Tuy nhiên, bé gái 18 tháng tuổi đã tử vong sau ít phút, 2 bệnh nhân lớn tuổi được chuyển vào cấp cứu tại Bệnh viện HNĐK Nghệ An.

Đến hôm nay (26/1), sau 3 ngày nhập viện điều trị, được các y bác sỹ nỗ lực cứu chữa, cả 4 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện HNĐK Nghệ An sức khỏe tiến triển tốt hơn. Riêng bệnh nhân Nga cần theo dõi thêm tình trạng sức khỏe sinh sản tại khoa Sản do vừa sinh con.

Không sưởi bằng củi, than tổ ong trong phòng kín thời gian quá lâu

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, không nên sưởi ấm phòng bằng bếp than tổ ong hoặc củi trong phòng kín thời gian kéo dài quá 1 tiếng hoặc qua đêm sẽ dẫn tới nguy cơ phát sinh khí cacbonic, giảm khí oxy. Nếu để thời gian dài sẽ tới sức khỏe, thậm chí dẫn tới hiện tượng, hôn mê, tổn thương não, chết ngạt. ảnh hưởng Trong những đợt lạnh ở các năm trước đây, nhiều vụ tử vong do sưởi bằng than tổ ong, củi đã xảy ra

BS Dũng cũng lưu ý, với những gia đình dùng đèn sưởi, điều hòa nhiệt độ chiều nóng để tăng nhiệt độ trong phòng, cần chú ý nhiệt độ để phù hợp, không để quá nóng. Nhiều trẻ sơ sinh, da mỏng, nếu để quá gần đèn sưởi sẽ dẫn tới hiện tượng bỏng da.

Thanh Xuân

(Univadis)

Hội chứng Rubella bẩm sinh: Hiểm họa với thai nhi

Bệnh Rubella còn có tên gọi bệnh sởi Đức - là bệnh truyền nhiễm do virut gây ra. Tuy Rubella là bệnh lành tính và sau khi khỏi, người bệnh có miễn dịch bền vững nhưng nguy hiểm nhất là phụ nữ mang thai mắc Rubella sẽ gây hội chứng Rubella bẩm sinh, là nguyên nhân gây ra các khuyết tật trầm trọng cho trẻ sơ sinh? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn nhận biết và cách phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này.

Bệnh Rubella lây truyền bởi các giọt nước bọt trong không khí khi người mang mầm bệnh hắt hơi hoặc ho. Người bệnh trở thành nguồn lây sau 5-7 ngày kể từ khi virut xâm nhập cơ thể người mẹ, nếu người bệnh là phụ nữ có thai, trong thời gian này có thể truyền virut sang thai nhi. Người bị nhiễm virut có khả năng lây truyền cao nhất trong thời kỳ phát ban. Tuy nhiên virut có thể lây truyền trước và sau phát ban 7 ngày. Trẻ bị hội chứng Rubella bẩm sinh có thể lây truyền virut trong khoảng thời gian một năm hoặc hơn. Rubella là bệnh lành tính và sau khi khỏi, người bệnh có miễn dịch bền vững.

Tổn thương trên da do rubella.

Dấu hiệu nhận biết bệnh Rubella

Sau khi virut vào cơ thể độ 2-3 tuần, bệnh nhân hoàn toàn bình thường. Tiếp theo có 3 triệu chứng chính là sốt, phát ban và nổi hạch.

Sốt: Đau đầu, mệt mỏi thường xuất hiện 1-4 ngày, sau khi phát ban thì sốt giảm. Sốt nhẹ 38,5oC.

Nổi hạch: Ở vùng xương chẩm, khuỷu tay, bẹn, cổ, sờ hơi đau. Hạch thường nổi trước phát ban, tồn tại vài ngày sau khi ban bay hết.

Phát ban: Là dấu hiệu làm người ta để ý tới. Ban mọc lúc đầu ở trên đầu, mặt, rồi mọc khắp toàn thân, thường không tuần tự như sởi. Nốt ban có hình tròn hay bầu dục, đường kính chừng khoảng 1-2mm, các nốt có thể hợp thành từng mảng hay đứng riêng rẽ. Trong vòng 24 giờ ban mọc khắp người, chỉ sau 2-3 ngày là bay hết. Cần phân biệt với ban của sởi: Ban sởi sờ mịn, mọc thứ tự từ trên đầu, mặt xuống, sau khi bay để lại các vảy như phấn rôm, trên da có các vằn màu sẫm.

Các thể lâm sàng

Rubella bẩm sinh: Virut từ máu mẹ qua nhau thai. Trẻ sơ sinh khi đẻ ra đã có ban, hoặc trong vòng 48 giờ sau sinh. Bệnh nhi có gan to, lách to, vàng da.

Thể xuất huyết do giảm tiểu cầu: Chiếm tỷ lệ 1/3.000 ca. Xuất hiện xuất huyết vào 1-2 tuần sau khi phát ban. Có thể chảy máu cam, xuất huyết tiêu hóa, trẻ sơ sinh có thể chảy máu rốn.

Phụ nữ có thai bị Rubella

Điều đáng quan tâm nhất là những dị tật của thai nhi trong bụng mẹ.

Trong 3 tháng đầu: 70-100% trẻ đẻ ra bị Rubella bẩm sinh và 25% trẻ bị dị tật bẩm sinh ở các cơ quan tim, mắt, não.

Sau 3 tháng: Nếu mẹ có thai được 13-16 tuần, thì trẻ bị Rubella bẩm sinh với tỷ lệ 17%. Khi thai được 17-20 tuần thì tỷ lệ 5%. Và khi thai hơn 20 tuần, tỷ lệ đó bằng 0%.

Biến chứng của hội chứng Rubella bẩm sinh gồm điếc, đục thủy tinh thể, bệnh tim và chậm phát triển trí tuệ. Khi bà mẹ mang thai 3 tháng đầu bị bệnh Rubella thì dễ bị sẩy thai hoặc thai chết lưu trong tử cung; nếu thai tiếp tục được phát triển thì trẻ sinh ra thường thiếu cân, chậm lớn, chậm mọc răng và kèm theo các dị tật bẩm sinh như đục nhân mắt (một hoặc hai bên); đục giác mạc; tim tiên thiên lỗ thông vách tim, còn ống động mạch, hẹp eo động mạch phổi; trẻ còn có thể bị câm, điếc, chậm phát triển trí tuệ.

Điều trị bệnh thế nào?

Hiện tại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với Rubella và hội chứng Rubella bẩm sinh. Cần điều trị triệu chứng như giảm đau, hạ nhiệt. Giữ ấm, tránh gió lạnh trong thời gian phát ban, đề phòng bội nhiễm viêm đường hô hấp. Ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng. Tăng cường ăn hoa quả như cam, chanh và các vitamin. Trẻ nhỏ bị hội chứng Rubella bẩm sinh cần được điều trị những biến chứng do bệnh gây ra.

Phòng bệnh là quan trọng

Hai biện pháp chính của phòng bệnh là cách ly và tiêm phòng vắc-xin. Tiêm phòng vắc-xin Rubella giảm độc lực, tạo nên miễn dịch ít nhất là 16 năm hoặc có thể cả đời. Vì vậy nên tiêm phòng Rubella rộng rãi cho trẻ từ 12-24 tháng tuổi. Để phòng hội chứng Rubella bẩm sinh, phụ nữ đang ở tuổi sinh đẻ (15-40) nếu chưa mắc bệnh bao giờ hoặc chưa tiêm khi nhỏ thì cần tiêm bổ sung vắc-xin này để phòng bệnh Rubella và phòng khi mang thai bị bệnh sẽ gây hội chứng Rubella bẩm sinh cho thai nhi. Chú ý: Sau tiêm phòng ít nhất 3 tháng mới nên có thai.

Cách ly: Phải cách ly 8-10 ngày trước và sau khi phát ban và ban bay hết.

Vắc-xin Rubella an toàn hiệu quả, khi được dùng cho trẻ em thường phối hợp với vắc-xin sởi và quai bị. Ở một số nước phát triển, bệnh Rubella gần như đã được loại trừ nhờ chương trình tiêm chủng cho trẻ em. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải đảm bảo đạt được và duy trì tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ trên 80% tránh sự lây truyền của Rubella sang tuổi lớn hơn.

BS. Trần Kim Anh